Khoảng thời gian trước đây, vấn đề cấp bách nhất đối với những người quay trở lại Hong Kong (Trung Quốc) là chọn đi tàu điện ngầm Airport Express hay dũng cảm vẫy taxi để từ sân bay vào thành phố.
Nhưng hiện nay, họ phải lo lắng nhiều hơn, bao gồm đủ loại chi phí đắt đỏ, những thay đổi liên tục về yêu cầu nhập cảnh, cảm giác đau đớn và nỗi cô đơn khi phải thực hiện cách ly tối thiểu 14 ngày, theo SCMP.
Đặc biệt, đối với những ai trở về thành phố từ các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao như Mỹ, Pháp, UAE, Thái Lan hay Malaysia, mọi chuyện trở nên căng thẳng hơn kể từ ngày 16/8. Họ phải thực hiện cách ly 3 tuần, thay vì chỉ một tuần như trước đây.
Sự thay đổi này khiến du khách khắp thế giới, bao gồm những người đã lên kế hoạch dành thời gian ở các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm thấp để giảm thời gian cách ly khi nhập cảnh Hong Kong, rơi vào tuyệt vọng và loay hoay tìm giải pháp.
Phòng khách sạn và vé máy bay đã đặt trước bị hủy. Họ buộc phải bỏ lỡ hoặc hoãn lại mọi sự kiện, từ nhập học, công việc đến đám tang, đám cưới. Từ chỗ bực tức, họ dần cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, cố gắng tìm cách thay thế.
Không kịp trở tay
Karen Chan, một nhà thiết kế nghệ thuật, đang cố gắng trở về Hong Kong từ New York (Mỹ). Trước đó, cô tham dự 2 đám cưới ở Thổ Nhĩ Kỳ và New York, đồng thời khởi động dự án The Neon Girl tại Mỹ - nơi cô học cách làm đèn neon từ các nghệ nhân trên khắp thế giới. Karen quyết định trở lại Hong Kong khi thời gian cách ly ở thành phố giảm xuống còn 7 ngày và tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu tăng cao.
“Ban đầu, tôi đặt vé về Hong Kong vào ngày 30/8. Như vậy, tôi sẽ không phải cách ly và có thời gian để thực hiện bộ ảnh nói về hành trình làm đèn neon của mình. Tuy nhiên, quy định thay đổi”, cô cho biết.
Karen đã thử đổi các ngày khởi hành khác nhau. Thế nhưng cho đến nay, mọi khách sạn ở Hong Kong đều kín chỗ cách ly cho đến cuối tháng 9. Đồng thời, cộng thêm 21 ngày cách ly, cô không kịp thời gian để thực hiện kế hoạch công việc.
“Giờ đây, tôi mắc kẹt ở Mỹ và không biết nên làm gì tiếp theo. Là một người đã nhận đủ 2 liều vaccine, tôi rất phẫn nộ đối với chương trình tiêm chủng ở Hong Kong. Dù có tiêm hay không, bạn vẫn sẽ bị đối xử tương đương nhau. Quy định mới này cũng áp dụng rất vội vàng, khiến các khách sạn và du khách không kịp phản ứng”, Karen tức giận nói.
Cản trở công việc, cuộc sống
Sau 16 tháng kể từ khi Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Desalyn Bowyer, một chuyên viên quản lý dự án, cuối cùng cũng được thăm con cái của cô ở Australia vào tháng 5. Cô dự định trở lại Hong Kong ngày 20/8 để kịp tổ chức hôn lễ vào tháng 10.
“Tôi đã đặt lịch cách ly tại khách sạn Indigo trong 7 ngày. Tuy nhiên, khi chính quyền Hong Kong thay đổi quy định và kéo dài thời gian cách ly, tôi gọi cho khách sạn, hy vọng họ có thể cho tôi đăng ký thêm 7 ngày nữa nhưng không thể”, cô kể lại.
Desalyn cảm thấy căng thẳng vô cùng, không chỉ vì kế hoạch đám cưới bị xáo trộn, mà còn đối mặt nguy cơ không có chỗ ở do cô đã ký hợp đồng cho thuê lại căn hộ của mình tại Australia vào hôm cô khởi hành về Hong Kong.
Cô cố gắng lùng sục các nhóm trên mạng xã hội để tìm người hủy phòng khách sạn. Khi tìm được, chi phí lại đắt hơn Desalyn tưởng tượng.
Trước đó, cô chỉ mất 16.000 HKD (hơn 2.000 USD) cho 14 đêm cách ly tại Hong Kong, nhưng số tiền nay đã lên đến 30.000 HKD. Song, cô vẫn phải chấp nhận đặt để không bị ảnh hưởng đến công việc và kế hoạch đám cưới.
Desalyn cho biết trong những ngày sau đó, chính quyền Hong Kong còn tiếp tục cập nhật nhiều thay đổi, “làm phức tạp thêm quy trình cách ly”.
“Họ không thông báo các thay đổi trong cùng một lần và điều này gây ảnh hưởng tới hàng nghìn cá nhân. Vô số người rơi vào tuyệt vọng. Đó là chưa kể chi phí cách ly rất đắt đỏ. Tiền thuê nhà ở Hong Kong còn không đắt bằng đợt cách ly này, cộng thêm khoản phí thay đổi chuyến bay 2 lần của tôi”, cô nói.
Chi phí quá đắt đỏ, tốn kém
Sau một hồi lướt mạng xã hội, Dylan Yen, du học sinh Hong Kong tại New York, phần nào hiểu được rằng con đường về nhà của mình sẽ rất phức tạp. Anh đã xa gia đình từ tháng 1 đến nay. “Tôi cố tình đẩy lùi chuyến bay về nhà tới giữa tháng 8 vì nghe tin rằng chính quyền sẽ xét nghiệm tại sân bay, giúp giảm thời gian cách ly cho tôi”, anh kể lại.
Tuy nhiên, không lâu sau, Mỹ nằm trong danh sách các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao của Hong Kong và chính quyền đã thay đổi một số quy định mới về việc cách ly.
“Tôi cần phải trở lại New York vào ngày 10/9 để khai giảng năm học mới. Do vậy, chấp nhận cách ly 3 tuần ở Hong Kong không phải một lựa chọn đúng đắn”, anh cho biết.
Dylan cấp tốc đổi vé máy bay sang sát ngày các quy định mới chính thức có hiệu lực. Do chỉ còn duy nhất chuyến bay cuối cùng từ sân bay quốc tế John F. Kennedy về Hong Kong vào hôm đó, Dylan chấp nhận trả thêm 120.000 HKD để đổi vé.
“Thế nhưng, tôi lại quên chưa tính đến chuyện đặt khách sạn cách ly. Sau khi đổi vé, tôi mới tìm khách sạn. Nhưng lúc này, phòng trống duy nhất tôi tìm được là một phòng hạng sang của khách sạn 5 sao, ước tính sẽ tốn khoảng 1 triệu HKD (gần 130.000 USD) cho 21 đêm cách ly. Do vậy, tôi đã từ bỏ việc trở về quê nhà”, Dylan nói.