Theo số liệu và báo cáo của Savills Việt Nam mới đây cho thấy quy mô hộ gia đình tại TP.HCM có xu hướng giảm trong 10 năm qua, với số liệu gần đây nhất vào năm 2019: quy mô hộ gia đình là 3,5 người cho cả hộ, so với năm 2009 là 3,9 người cho cả hộ.
Bên cạnh đó, khoảng 66% số lượng hộ gia đình sẽ có từ 2-4 thành viên, đây là quy mô nhỏ, xu hướng tách hộ và giới trẻ ra riêng đang là xu hướng được diễn ra trong thời gian qua và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Điều này dẫn tới thực trạng nhu cầu nhà ở tăng lên.
Tuy nhiên, theo thống kê của Savills Việt Nam, lượng căn hộ đang chào bán trên thị trường có giá trị từ 2 tỷ trở xuống đang chiếm khoảng 10% của tổng lượng đang chào bán trên thị trường.
Nguồn cung cho mức giá này hiện rất hạn chế với hầu hết căn hộ có diện tích khá nhỏ, từ 50-60 m2. Có thể thấy, các chủ đầu tư đang theo xu hướng giảm diện tích để vừa với nhu cầu của các gia đình nhỏ và làm cho giá trị vẫn thích hợp cho người mua.
Điều này cho thấy lượng căn hộ dưới 2 tỷ đang rất hạn chế và hiện trạng này sẽ tiếp tục trong tương lai.
Giải thích về hiện trạng này, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills TP.HCM cho biết nếu nhìn nhận khái quát thì quỹ đất đang ngày càng hạn hẹp và giá trị đất ngày càng tăng cao. Điều này làm cho các chủ đầu tư buộc phải tăng giá trị căn hộ, ngoài ra, giá nguyên vật liệu xây dựng cũng đang tăng mạnh, cùng với kỳ vọng về lợi nhuận của các doanh nghiệp đã làm cho giá trị của căn hộ tăng lên.
Tuy nhiên, bà Trang cũng cho rằng cần phải nhìn nhận là các chủ đầu tư đang tập trung cải thiện chất lượng dự án để mang lại môi trường đáng sống để cho người dân không chỉ là một nơi ở mà còn để hưởng thụ.
Theo số liệu của Batdongsan.com.vn, căn hộ tại TP. HCM trong đầu năm nay tiếp tục ghi nhận giá bán tăng 3-4% so với quý 4/2020. Riêng trong tháng 4/2021, giá căn hộ chung cư vẫn tiếp tục đà tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế từ giao dịch thị trường trong thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6/2021 khi thành phố đang tiến hành giãn cách xã hội, phân khúc căn hộ dù không sôi động vẫn âm thầm giao dịch và không hề có động thái giảm giá. Thậm chí trong các giao dịch sang nhượng thứ cấp, giá vẫn tăng đều đặn 5-7% so với cùng thời điểm năm 2020.
Để giải quyết hiện trạng này, bà Trang chia sẻ, phải có sự hành động từ hai phía. Thời gian qua, các doanh nghiệp phải mất 3-5 năm để bắt đầu phát triển dự án. Trong thời gian đó, doanh nghiệp phải chi trả rất nhiều chi phí dẫn đến khi có dự án thật sự thì giá trị căn hộ tăng lên. Còn về phía các doanh nghiệp phải tận dụng được sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước để tạo ra các sản phẩm có lợi và đúng với nhu cầu thật của người dân hiện nay.
Theo định hướng của TP.HCM, đến năm 2030, thị trường sẽ tập trung nhiều hơn vào loại hình chung cư để đáp ứng được nhu cầu nhà ở và thúc đẩy thị trường. Với quỹ đất trung tâm khan hiếm, việc cải thiện cơ sở hạ tầng giữa các quận ngoài trung tâm và các khu vực lân cận đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển dự án nhà ở với mức giá vừa tầm.
"Có thể thấy nhiều nguồn cung mới đang được hình thành ở các quận Bình Chánh, Nhà Bè, Tân Bình và Bình Tân - đây là những khu vực vẫn còn tiềm năng để phát triển nhà ở và sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển căn hộ với mức giá vừa tầm", vị chuyên gia đánh giá.
Nhận định về việc sở hữu bất động sản nhà ở với điều kiện tài chính ở mức 2 tỷ, bà Trang cho rằng người mua phải lựa chọn sản phẩm đúng nhu cầu. Hiện tại, đối với người trẻ, độc thân hoặc mới lập gia đình, điều mà họ tìm kiếm trong một căn hộ là diện tích vừa phải không cần quá lớn, để khi năng lực tài chính tăng lên, họ có thể nâng cấp từ 1 phòng ngủ lên 2 phòng ngủ hoặc hơn.