Theo chuyên gia này, khả năng bảo mật của ứng dụng nhắn tin trên Facebook Messenger rất kém, không có khả năng mã hoá nội dung đầu cuối. Trên thực tế, vấn đề bảo mật của ứng dụng nhắn tin này đã được cảnh báo từ lâu và được đánh giá nằm ở nhóm yếu nhất trong các ứng dụng OTT.
Hãng công nghệ Mỹ nhiều lần đưa ra các bản cập nhật nhằm tăng tính năng bảo mật cho ứng dụng này. Tuy nhiên, mức độ cải thiện không cao. Tạp chí Forbes cho rằng việc làm này hầu như không mang lại hiệu quả.
Facebook lần đầu tiên cảnh báo về vấn đề mã hoá tin nhắn khi tung ra tính năng hội thoại bí mật. "Tính năng này giúp tin nhắn mã hoá đầu cuối, chỉ dành cho hai người hội thoại với nhau", Facebook gửi đi thông báo. Như vậy, mạng xã hội này ngầm báo rằng những đoạn nhắn tin thông thường qua Facebook Messenger có thể bị truy cập bởi một người dùng khác.
Một lý do có thể viện dẫn cho việc Facebook không mã hoá tin nhắn đầu cuối vì muốn theo dõi hành vi, mối quan tâm của người dùng. Từ đó, mạng xã hội này sẽ hiển thị quảng cáo theo nội dung mà người dùng đang quan tâm. Facebook Messenger là một trong những ứng dụng theo dõi người dùng nhiều nhất theo đánh giá của nhiều tạp chí công nghệ.
Trong khi đó, ứng dụng WhatsApp do Facebook sở hữu lại đề cao vấn đề mã hoá nội dung. "Tin nhắn, hình ảnh, video, tin nhắn thoại, tài liệu, cuộc gọi của bạn được mã hoá để đảm bảo an toàn thông tin", WhatsApp cho biết.
Để bảo đảm tính riêng tư của các tin nhắn, nhiều chuyên gia bảo mật khuyên người dùng nên lựa chọn các ứng dụng như Signal hoặc Telegram. Tuy nhiên, sự phổ biến cũng như thói quen của người dùng là lý do khiến Messenger vẫn phổ biến trong vài năm nữa.
Nhiều năm qua, Facebook hứa hẹn về việc mã hoá nội dung trên Messenger nhưng đến nay mọi thứ gần như vẫn là số 0. Người dùng để tự bảo vệ mình có thể lựa chọn các ứng dụng OTT khác hoặc tiếp tục "sống chung với lũ".