Đôi khi, tâm lý "phải dạy con để không bị người khác chê trách" của cha mẹ trở thành gánh nặng đè lên con cái.
Dưới đánh giá của hàng xóm, ánh mắt của mọi người nơi công cộng, cha mẹ tự đặt ra cho mình nhiệm vụ khó khăn. Ví dụ, phụ huynh phải dạy trẻ 2 tuổi phải chào khi gặp người lớn, không được tranh đồ chơi của bạn, phải biết xin lỗi khi làm bạn khóc.
Trong cuốn sách Đừng ép con phải ngoan, tác giả Shibata Aiko cho rằng những điều này chỉ là sự huấn luyện để làm thỏa mãn người lớn. Bởi sự phát triển của trẻ có thứ tự trước sau. “Trước khi trẻ nói được lời xin lỗi, cần có bước trẻ nhận ra được cảm xúc của mình và cảm xúc của người khác”.
Với trẻ hai, ba tuổi, cha mẹ không thể kỳ vọng sẽ luôn ngồi yên trên máy bay, xe buýt mà không đòi hỏi gì hay la khóc. Bởi ở giai đoạn này, trẻ chỉ biết đến cảm xúc của bản thân. Việc cha mẹ dạy trẻ “không làm phiền người khác” là không thể.
Đôi khi, cha mẹ lấy “con ngoan, trò giỏi” làm mục tiêu nuôi dạy. Khi con ăn lâu, vứt rác ra nhà, không chịu đi tắm, chọn quần áo chậm, không đạt điểm cao, không giành giải thưởng… có thể bị cha mẹ trách mắng.
Nhưng theo tác giả Shibata Aiko, trách mắng là vô ích đối với trẻ ở mọi lứa tuổi. Bà khuyên rằng cha mẹ thay vì trách cứ theo mong muốn của mình, hãy để con tự tích lũy kỹ năng.
Trong hành trình nuôi dạy con, nhất là giai đoạn trẻ ở tuổi mầm non, điều cần thiết là cha mẹ kiên trì với sự phát triển theo trình tự của trẻ. Cha mẹ phải bỏ qua sự đánh giá từ bên ngoài để không gây sức ép với trẻ.