Lãi suất thấp, tiền gửi giảm
Trong tháng 8-2021, biểu lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) đang điều chỉnh theo xu hướng giảm từ 0,1%-0,5%/năm, tùy kỳ hạn; thậm chí một số NHTM giảm đến 0,8 điểm phần trăm đối với kỳ hạn trên 12 tháng.
Cụ thể, từ giữa tháng 8-2021, TPBank giảm lãi suất đến 0,5 điểm phần trăm kỳ hạn 9 tháng xuống 5,7%/năm, giảm đến 0,8 điểm phần trăm kỳ hạn 18 tháng xuống 6%/năm. Ngoài ra, ngân hàng này còn giảm đến 0,75% với gửi tiết kiệm trực tuyến (thường cao hơn gửi tiết kiệm tại quầy - PV) xuống mức 6,15%/năm.
Techcombank sau 2 lần điều chỉnh, hiện lãi suất tiết kiệm 12 tháng chỉ 4,4%/năm và 36 tháng là 4,8%/năm. Tương tự, các NHTM quốc doanh cũng nhập cuộc. Tại Agribank và BIDV, lãi suất các kỳ hạn trên 12 tháng đã giảm 0,1 điểm phần trăm/năm.
Với mức lãi suất tiền gửi ngày càng giảm, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho thấy, tăng trưởng huy động vốn 6 tháng đầu năm 2021 thấp kỷ lục, ghi nhận ở mức gần 5,3 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,94% so với cuối năm 2020. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi dân cư thấp nhất so với cùng kỳ 10 năm qua.
Lãnh đạo một NHTM nhìn nhận, lãi suất tiết kiệm trong tháng 8-2021 tiếp tục được điều chỉnh giảm khó tránh việc tiền huy động từ nay đến cuối năm sẽ giảm. Hiện ngân hàng đang chịu sức ép phải giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nên không thể duy trì lãi suất tiết kiệm ở mức cao để thu hút tiền nhàn rỗi của người dân.
Lãi suất cho vay cũng thấp
Theo chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất huy động sẽ chịu áp lực tăng nhẹ, đặc biệt là các kỳ hạn dài vì quy định siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của NHNN sẽ có hiệu lực vào tháng 10-2021. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới vì lạm phát được dự báo trong vùng kiểm soát.
Thực tế cho thấy, lãi suất đầu vào tiếp tục giảm nên lãi suất cho vay cũng có đợt giảm mới, sau đợt giảm lãi suất giữa tháng 7-2021. Hiện nhiều NHTM triển khai thêm các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Cụ thể, từ nay đến hết năm 2021, Vietcombank sẽ cắt giảm lãi suất cho vay lên tới 0,5 điểm phần trăm/năm cho tất cả dư nợ vay của khách hàng tại TPHCM và tỉnh Bình Dương. Đồng thời, giảm 0,3 điểm phần trăm/năm lãi suất cho toàn bộ dư nợ vay của cá nhân, doanh nghiệp tại 17 tỉnh miền Nam còn lại đang áp dụng Chỉ thị 16, trừ các khoản vay kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản và khoản vay thế chấp bằng giấy tờ có giá.
“Đặc biệt, những khách hàng đã được giảm lãi suất hồi tháng 7 sẽ được xem xét cắt giảm thêm lãi suất cho vay, trong đó ưu tiên nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh”, lãnh đạo Vietcombank cho hay.
Tương tự, ngoài giảm lãi suất cho vay tối đa 1 điểm phần trăm/năm với tất cả dư nợ hiện hữu của khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Vietinbank vừa triển khai thêm gói tín dụng lãi suất thấp từ 4%/năm, quy mô 20.000 tỷ đồng cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng thuộc các ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng như dệt may, da giày, dược, vật tư y tế, hàng tiêu dùng thiết yếu… nâng tổng quy mô gói hỗ trợ lãi suất lên tới 150.000 tỷ đồng.
Ngoài việc giảm lãi suất với phần dư nợ hiện hữu bị ảnh hưởng bởi dịch, lãnh đạo Agribank cho biết đã quyết định giảm lãi suất thẻ tín dụng 1,2 điểm phần trăm/năm xuống còn 11,7%/năm - mức lãi suất thẻ tín dụng thấp nhất thị trường - với toàn bộ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp hiện tại.
Không chỉ nhóm NHTM quốc doanh, ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành MBBank, cho biết trong 5 tháng cuối năm 2021 sẽ giảm 1.000 tỷ đồng lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến giữa tháng 8, ngân hàng đã giảm 400 tỷ đồng tiền lãi lũy kế đến cuối năm. Nửa cuối tháng 8, MBBank ước giảm thêm 300 tỷ đồng và 300 tỷ đồng còn lại sẽ giảm trong 4 tháng cuối năm.
Theo ông Phạm Như Ánh, với mức này, có khoảng 70.000 tỷ đồng dư nợ của khách hàng cá nhân và 50.000 tỷ đồng dư nợ của doanh nghiệp được giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1,5 điểm phần trăm/năm, tùy khách hàng và mức độ bị ảnh hưởng.
Liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn chưa tiếp cận được các chính sách ưu đãi của ngân hàng, MBBank khẳng định, ngân hàng đang giảm lãi suất cho các nhóm khách hàng ưu tiên theo quy định của NHNN và của riêng MBBank.
Theo đó, khách hàng cũ thuộc lĩnh vực ưu tiên, ngân hàng chủ động thông báo việc giảm lãi suất bằng văn bản và gửi tin nhắn, khách hàng không cần ký kết văn bản và đề nghị gì với MBBank. Riêng khách hàng giải ngân mới, thuộc đối tượng ưu tiên của MBBank, được áp dụng biểu lãi suất giảm 0,5%-1% so với lãi suất đang áp dụng tại ngân hàng.
“Để hỗ trợ khách hàng và duy trì dòng tín dụng trong bối cảnh giãn cách xã hội, MBBank thực hiện thỏa thuận với khách hàng thông qua các kênh giao dịch điện tử, thủ tục đơn giản”, ông Phạm Như Ánh cho hay.