Theo chỉ đạo của Phó thống đốc Đào Minh Tú, 16 ngân hàng bao gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), MSB, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ACB, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) đã đồng thuận việc sẽ giảm lãi cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá: "Việc giảm lãi suất là rất khó nhưng lúc này rất cần sự chia sẻ, cảm thông của ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp".
Tuy nhiên, các ngân hàng cũng chia sẻ sẽ không giảm lãi suất "cào bằng".
Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank cho rằng, thay vì hỗ trợ một cách "cào bằng", ngân hàng nên tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn.
Ông Thắng nhấn mạnh: "Với các doanh nghiệp bất động sản đang lãi lớn, doanh nghiệp xuất khẩu hay cá nhân vay tiền mua ô tô..., ngân hàng không nên hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, cần có cái nhìn cởi mở hơn với việc xem xét cho vay mới những khách hàng cơ cấu nợ hay chuyển nhóm nợ"
Còn theo Phó Tổng Giám đốc MB Phạm Thị Trung Hà, MB sẽ hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc doanh thu giảm (lĩnh vực lưu trú, dịch vụ...) với mức giảm lãi suất tối thiểu 1%. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ hỗ trợ lãi suất với các doanh nghiệp sản xuất và khách hàng cá nhân (đối tượng trả góp từ lương).
Một số ngân hàng cho biết, việc giảm lãi suất cho vay sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lợi nhuận của họ trong năm nay.
Đại diện LienvietPostBank thông tin, với tổng dư nợ của ngân hàng khoảng 191.000 tỷ đồng, nếu ngân hàng này giảm lãi suất khoảng bình quân 1% một năm, lợi nhuận sẽ giảm khoảng 600 tỷ đồng.
Còn với tổng dư nợ khoảng 350.000 tỷ của Sacombank, Phó Tổng Giám đốc Sacombank Phan Đình Tuệ cho rằng, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm trên nghìn tỷ (tương đương 40% kế hoạch lợi nhuận) nếu giảm lãi suất 1% trong vòng 5-6 tháng. Việc này cần sự chấp nhận của cổ đông, ông Tuệ cho biết.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Sacombank sẽ giảm lãi suất với các đối tượng thực sự khó khăn. Còn với những khách hàng có dư nợ hàng nghìn tỷ đồng và kinh doanh có lãi, ngân hàng không thấy họ cần đến việc hỗ trợ.