Bước ra từ cuộc thi Bài hát hay nhất mùa hai, nhưng đã theo đuổi âm nhac từ những năm còn là du học sinh tại Singapore. Album đầu tiên từ sau hai năm sống và làm việc tại Sài Gòn là một chuỗi ký ức không thể quên không chỉ của riêng Dật Hanh mà còn cả những ai đang sống, vượt qua đợt dịch bệnh kéo dài hơn năm tháng qua.
“Tính ra thì đây là album đầu tiên mà Dật Hanh phát hành. Trước đó và kể từ sau khi xuất hiện trên chương trình Sing My Song – Bài hát hay nhất, thì Dật Hanh chỉ phát hành các single, và MV gần đây nhất là Cô Gái Của Tháng 5. Album gồm 6 ca khúc Dật Hanh sáng tác và trình bày, viết về những cảm nhận và tâm tư của bản thân trong những tháng ngày cùng thành phố gồng mình chống dịch. Đặc điểm đáng lưu ý của album này là lần đầu tiên Dật Hanh tự sản xuất bao gồm thu âm, mix & master tại nhà, do điều kiện đi lại trong mùa dịch bị hạn chế đến mức tối đa.” – Dật Hanh chia sẻ.
“Ban đầu chỉ là một ca khúc tự phát để chia sẻ cho vui trên Facebook cá nhân, bài hát có tên là Chớ Ra Đường Giờ Này. Nhưng sau đó, mỗi ngày đọc báo lại thấy những tin tức khiến bản thân cảm thấy xót xa, cũng như đồng cảm, sau đó là một loạt ca khúc được ra đời: Bó rau vô giá, Nhớ lắm li cà phê, Từng đoàn xe vội vã, Thành phố đau nặng, Chàng trai tóc dài.”
“Cũng may mắn là có sự hỗ trợ nhiệt tình của pianist Cà Pháo và violinist David Thông Nguyễn, mấy anh em cùng nhau làm việc từ xa để làm ra những bản phối rất hiệu quả cho album lần này. Các ca khúc trong album lần này đều đến từ những cảm xúc tự nhiên, nên mọi thứ đến rất nhanh và trôi chảy, không gượng ép. “ – Dật Hanh kể về các đứa con tinh thần của mình.
Vì tình hình dịch diễn biến phức tạp, Dật Hanh không thể đến phòng thu để thực hiện các ca khúc này, nên đã phải thu âm tại nhà. Dàn home studio đã được sử dụng hơn 5 năm nay trong việc thực hiện những bản demo cho khách hàng. Vì là lần đầu tự thực hiện album, Dật Hanh luôn gửi những bản mix & master cho những người bạn thân thiết nghe trước để góp ý. Nam ca sĩ kiêm nhạc sĩ cho biết ban đầu thì có những thứ lặt vặt phải chỉnh sửa, chẳng hạn như tiếng violin mix bị khô quá, thiếu âm khu trầm, piano com hơi nặng. Sau nhiều lần sửa đi sửa lại thì các bản master của 6 ca khúc cũng hoàn thành. Càng về sau thì việc sản xuất càng hiệu quả, nên cũng không mất công sửa đi sửa lại quá nhiều như những bài đầu tiên.
Trong quá trình sản xuất, Dật Hanh phải lên YouTube để học hỏi thủ thuật mix violin. Sau đó cũng tự làm lyric video nên cũng phải lên mạng học cách làm những hiệu ứng. Ngoài ra, Dật Hanh cùng những người bạn thân thiết kết hợp làm nhạc cũng rất ăn ý, không gặp quá nhiều trở ngại trong suốt quá trình sản xuất ra các thành phẩm.
Chỉ trong hai tháng, kể từ ngày ca khúc đầu tiên được viết ra và gửi đi thực hiện bản phối. Cứ mỗi ca khúc ra đời lại được gửi đi làm nhạc, sau khi làm nhạc thì thực hiện thu âm và hậu kỳ, rồi lên lyric video. Trong mấy tháng giãn cách phải ở yên trong nhà, nên Dật Hanh cũng có thể toàn tâm toàn lực đầu tư cho album mà không vướng bận gì. Tiến độ công việc cũng như cảm xúc thực hiện dự án này trở nên thăng hoa và nhanh chóng hoàn thành.
Nam ca nhạc sĩ cũng có khoảng thời gian bị ”trói chân” vào trong hơn bốn tháng ở trong nhà, Dật Hanh vẫn đến phòng thu để ghi âm audiobook, và đến nhà của 2 bạn nghệ sĩ để dạy thanh nhạc mỗi tuần, nhạc sĩ vẫn luôn giữ khoảng cách an toàn. Khi thành phố bắt đầu thực hiện chỉ thị 16 thì Dật Hanh chỉ ở yên trong nhà. Cùng cộng tác một số dự án dựng bè, chuyển ngữ ca khúc sang tiếng Anh, Hoa, phổ nhạc cho thơ, thu demo cho khách hàng có thể thực hiện tại nhà. Thời gian còn lại thì được Dật Hanh dùng cho đọc sách và anh đã đọc được 30 quyển sách trong những ngày cách ly, chủ yếu là trinh thám hiện đại. Bên cạnh đó anh còn tìm cách giết thời gian cũng như thói quen giải trí của chính mình như: viết lại chữ Hoa phồn thể; livestream giao lưu học văn trực tuyến, livestream giới thiệu ca khúc, xem lại các liveshow, show âm nhạc yêu thích.
‘Thành phố đau nặng' là tiếng gọi thống thiết của người dân sống ngay giữa tâm dịch, đặc biệt là những người sống xa quê cha đất tổ. Đó là một sự ngỡ ngàng và hụt hẫng, khi một ngày đẹp trời nọ, thành phố đang nhộn nhịp và đầy sức sống, bỗng trở nên hoang vu lạnh lẽo. “Có ai ngỡ như thật gần, cũng hóa xa”… Một chút phong vị bán cổ điển với phần piano intro mang phong vị Chopin. “Chớ ra đường giờ này” là một thông điệp cho bản thân và những người xung quanh, cố gắng ở nhà giữ mình, và hẹn một ngày mai tươi sáng. Một bản nhạc theo màu sắc rhumba vintage của âm nhạc xứ Đài thập niên 80.“Bó rau vô giá” là một nỗi xót xa khi chuỗi cung ứng của thành phố bị đứt đoạn, và hàng hóa, đặc biệt là rau củ tươi trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết. Cũng là một bản retro mang âm hưởng lãng mạn trữ tình xứ Đài thập niên 90. “Nhớ lắm li cà phê” là nỗi nhớ những góc quán quen thuộc cùng bạn bè, nhớ những dòng xe tấp nập trên đường phố ở cái nơi gọi là “thành phố không bao giờ ngủ” này. Một bản ballad khá là chill mang một chút cái lạnh của mùa thu xứ Hàn. “Chàng trai tóc dài” là tâm sự của bản thân khi mỗi sáng soi gương nhìn tóc mình cứ ngày một dài ra mà không thể đi ra tiệm để cắt gọn. Một bản ballad mang âm hưởng Hong Kong thập niên 2000. “Từng đoàn xe vội vã” ghi lại cảnh những người dân phải lội nắng ngược gió chạy về quê bằng xe máy, khi ở lại thành phố đã trở thành gánh nặng về cả vật chất lẫn tinh thần. Một bản nhạc jazzy swing khá tươi tắn, để kết thúc album bằng một lời nhắn nhủ: “Tạm biệt thành phố nhé! Gặp lại ngày không xa, khi bình yên ghé qua”